Nhờ trồng bưởi không ít hộ dân tại Đoan Hùng- Phú Thọ đã thoát nghèo
Lãi lớn từ trái bưởi Đoan Hùng
Xã Bằng Luân là một trong các xã trồng nhiều bưởi nhất ở Đoan Hùng với tổng diện tích 170ha đều là giống bưởi đặc sản Đoan Hùng. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng bưởi đặc sản, hộ ít có vài cây, hộ nhiều có từ 100 cây trở lên đã và đang cho thu hoạch.
Nhờ việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, kết hợp với thụ phấn bổ sung nên đã đưa năng suất bưởi tăng cao, bưởi đều quả, mẫu mã đẹp. Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng.
Nhiều hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Luân Vũ Minh Sáng cho biết: Toàn xã có hơn 170ha với 2 loại bưởi chủ yếu: Bưởi chua và bưởi ngọt, riêng bưởi chua lại có loại chua rôn rốt, có loại chua gắt tuỳ theo sở thích của người ăn mà chọn.
Còn bưởi ngọt có múi không to lắm nhưng bóc ráo tay, tôm bưởi căng mọng, ăn ngọt, mùi thơm. Nhờ biết cách chăm sóc cho cây bưởi nên bưởi nên năng suất đạt cao. Tổng thu hoạch của các hộ trồng bưởi trong xã năm nay ước đạt từ 5 – 7 tỷ đồng. Trong đó, hộ nhiều được từ 100 đến trên 200 triệu đồng, hộ ít cũng được vài chục triệu đồng...
Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án phát triển cây bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng với quy mô 1.000 ha. Mục tiêu của dự án là đưa cây bưởi Đoan Hùng thành cây chủ lực, cây sản xuất hàng hóa trên đất Đoan Hùng.
Nhờ ngon, ngọt nên bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu đặc sản. Năm 2006, Bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân của Đoan Hùng.
Theo đó, bưởi Đoan Hùng đã trở thành thương hiệu đặc sản với tên “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị Đất Tổ”. Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân đã trở thành tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn, qua đó đã giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên cây bưởi./.
Xem thêm: GIÁ BƯỞI ĐOAN HÙNG